5 niềm tin giới hạn về phụ nữ cần được nghĩ lại
Mình nghĩ, trong xã hội này, là phụ nữ đã là một thế yếu. Thế yếu đó thể hiện qua những niềm tin giới hạn mà người khác hay chính phụ nữ tin vào. Thế yếu đó thể hiện qua cả những thiết kế trong đời sống, nghiên cứu có vẻ thiếu vắng hình ảnh của phụ nữ hơi nhiều.
Ở bài viết này mình chia sẻ 5 niềm tin giới hạn có thể kìm hãm, làm cuộc sống của người phụ nữ thêm phần áp lực, thậm chí gây cản trở những lựa chọn của phụ nữ. Mình mong những góc nhìn này sẽ cho các bạn nữ cũng như các bạn nam một vài ý tưởng thú vị để nhìn lại, rồi quyết định xem thử có cần thay đổi không. Còn nếu các bạn thấy những niềm tin này vẫn ổn thì xem thử điều mình sắp nói có tác động gì đến niềm tin các bạn đang nắm giữ hay không nha.
Niềm tin giới hạn số 1: Là phụ nữ thì phải hơn nhau ở tấm chồng
Mình chỉ mong là không còn nhiều chị em phụ nữ tin vào niềm tin này. Một niềm tin đã cũ, không còn phù hợp với xã hội hiện đại cũng như với nhiều góc nhìn mới của chúng ta nữa.
Thứ nhất, phụ nữ không cần hơn nhau. So sánh vẫn có thể tạo ra động lực nhưng thường đi kèm nhiều áp lực. Chắc hẳn các bạn đã từng nhiều lần cảm thấy nghi ngờ bản thân, thậm chí là chỉ trích chính bản thân khi thấy mình thua kém với người này người kia. Vậy thì đã đi lấy chồng rồi, sao chúng ta lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy, cạm bẫy của so sánh như vậy?
Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, người bạn đời càng là cả một thế giới khác biệt. Nếu bạn có một người chồng tốt, tử tế, hãy cứ hạnh phúc vì sự hiện diện của người ấy. Nếu chồng bạn có nhiều vấn đề mà bạn không hài lòng, họ chưa có những thành công như xã hội mong đợi thì hai vợ chồng cùng nhau nỗ lực, cố gắng.
Thứ hai, đừng để sự thành công, hình ảnh của người chồng định nghĩa giá trị cuộc sống của mình. Người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt. Nhiều khi người ta khoe chồng nhưng có thể bên trong cũng đủ loại cay đắng. Nhiều khi hôm trước họ than thở mệt mỏi về chồng nhưng hôm sau lại có nhiều sự hạnh phúc.
Cuộc sống vô thường, hôm nay được mai lại mất. Sống với nhau miễn là có nỗ lực vì nhau, có được sự thấu hiểu, hoà hợp.
Còn nếu chưa có được thì cố gắng từng bước để vun đắp mối quan hệ. Muốn có trái ngọt thì cũng phải chăm bón đúng không? Mình có thể tự hào, mừng vui, trân trọng với thành công, nỗ lực của chồng mình. Nhưng đừng lấy sự thành công đó đi khoe hoặc cũng đừng vì người khác khoe chồng họ mà cảm thấy tự ti khi chồng mình chưa đạt được cái này, cái kia.
Niềm tin giới hạn số 2: Phụ nữ là phải đẹp
Niềm tin này đến từ sự hiểu ngầm rằng phụ nữ phải đẹp, đàn ông phải mạnh mẽ. Nếu bạn thấy chuyện đẹp là dễ dàng với mình thì không sao. Nhưng nếu bạn mệt mỏi vì phải đáp ứng tiêu chuẩn cái đẹp của người khác thì đã đến lúc nhìn lại niềm tin này.
Có bao giờ các bạn dừng lại một chút để hỏi rằng phụ nữ là phải đẹp nhưng đẹp cho ai chưa? Cho những người xa lạ mình lướt qua hằng ngày? Cho đồng nghiệp đồng hành trong một đoạn nào đó hay cho người thân, người có thể ta dành phần lớn cuộc đời để tương tác?
Nhưng còn một đối tượng nữa ta ít khi nhắc tới. Ở với bạn cả cuộc đời chứ không đi một đoạn đời. Là chính bản thân của bạn đó.
Bạn có từng nghĩ sẽ làm làm đẹp cho chính mình. Đẹp với chính mình. Theo những hiểu biết tự thân của mình về cái đẹp chưa?
Cái đẹp là ta được tiếp nhận là cái đẹp mang tính chất xã hội, xét cả đẹp về ngoại hình và đẹp về nết.
Đẹp về ngoại hình thì để người ta chú ý, người ta khen, công nhận. Đẹp nết thì lại chủ yếu là những hành xử không làm phật lòng ai, nhưng lòng mình thì nhiều khi phải ngậm đắng nuốt cay để trưng ra vẻ mặt, cử chỉ để làm hài lòng một vài đối tượng nào đó.
Cái đẹp của mỗi thời kì nó khác nhau lắm, mình cứ chạy theo trend theo mốt làm đẹp, thì cũng nhiều áp lực mà, đúng không? Phần lớn thì đẹp là phải biết làm đẹp, make up. Rồi có lúc đẹp là phải giản dị, tự nhiên, không thêm bớt cầu kì. Hoặc kết hợp cả hai cái lại sẽ thành biết make up một cách giản dị, giống thật giống với tự nhiên.
Bạn có muốn thay đổi tiêu chuẩn về cái đẹp, cách bản thân cảm nhận về cái đẹp, đối tượng nhìn ngắm cái đẹp của bạn không?
Đẹp là một giá trị tuyệt vời. Nhưng nếu hiểu đúng về cái đẹp, cảm nhận đúng về cái đẹp, chúng ta sẽ thoải mái và tự do hơn nhiều để đẹp theo cách của mỗi cá nhân hơn là những bộ quy tắc, tiêu chuẩn được đặt ra.
Niềm tin 3: Phụ nữ là phải biết hi sinh
Hi sinh là hành động đẹp, nhưng khó làm đúng
Hi sinh vì người khác là một đức tính mà ai cũng nên có chứ không riêng gì phụ nữ. Nhưng hi sinh phải đúng người, đúng thời điểm và được thực hiện đúng đắn. Nếu bạn đã hi sinh, thậm chí là liên tục nhưng vẫn cảm thấy bản thân không được trân trọng trong mối quan hệ, nhu cầu của bản thân không được tôn trọng thì bạn cần xem lại cách mà mình đã hi sinh, thứ mà mình đã hi sinh và người mà mình đã hi sinh.
Niềm tin này thông thường có nghĩa là phụ nữ phải biết đặt nhu cầu của người thân, cụ thể hơn là chồng con lên trên nhu cầu của mình. Với giả định rằng chỉ cần hi sinh, chịu thương chịu khó là sẽ nhận lại được một mối quan hệ, một gia đình hạnh phúc. Nhiều khi ấm ức lắm nhưng nuốt vào trong với hi vọng rằng mình nhịn, mình bỏ qua thì mối quan hệ rồi đâu lại vào đấy.
Cho và nhận luôn là một điều quan trọng trong bất kì một mối quan hệ. Việc cho nhận phải được diễn ra hài hoà, nhịp nhàng. Có những lúc bạn cho đi để mối quan hệ được hoà hợp. Thỉnh thoảng bỏ qua vài khó khăn trước mắt để hướng tới tương lai. Nhưng sự cho đi một chiều, hi sinh một chiều cũng là điều mà ta nên lưu ý.
Hi sinh mà mối quan hệ trở nên tốt hơn, người nhận trân trọng sự hi sinh của bạn thì đó là một sự hi sinh lành mạnh. Ngược lại, nếu cứ mãi hi sinh mà chẳng có dấu hiệu nào của sự hi vọng thì có thể đã đến lúc để giao tiếp với nhau thật rõ ràng để tìm cách giải quyết vấn đề của mối quan hệ.
Niềm tin giới hạn số 4: Phụ nữ đẹp nhất khi không thuộc về ai
Bạn có tin vào niềm tin này không?
Vấn đề của câu nói này là nó thường là một lời an ủi dành cho những người phụ nữ đã từng trải qua tổn thương trong tình cảm. Chỉ nên là một lời an ủi thôi, dù rằng mình cũng thấy lời an ủi này không được lành mạnh cho lắm. Cảm thấy đẹp khi không còn ở trong mối quan hệ, không còn thuộc về một người đàn ông hay phụ nữ nào nữa. An ủi mình rằng giờ đây mình đã có thể tự do, đã có thể đẹp theo cách của mình.
Với mình thì phụ nữ đẹp nhất khi họ được là chính họ, phiên bản chân thật nhất của họ, phiên bản chưa bị bóp méo bởi định kiến, tiêu chuẩn, phiên bản mà họ được sống với giá trị sống mà họ theo đuổi, với ý nghĩa sống mà họ cho là quan trọng.
Điều này có nghĩa là cho dù họ có thuộc về ai hay không, họ có gia đình hay độc thân, họ là một cô thiếu nữ hay một bà cụ thì họ vẫn luôn có thể thật đẹp khi họ thuộc về chính họ. Vẻ đẹp lúc này được định nghĩa là cách họ sống, cách họ suy nghĩ và tương tác với người khác, cách họ làm phong phú thêm thế giới nội tâm của họ. Họ cho phép bản thân được đẹp cho họ, đẹp vì họ và đẹp theo tiêu chuẩn của họ. Họ không đẹp vì thuộc về hoặc đã không còn thuộc về một ai đó khác nữa.
Cái đẹp này mang lại nhiều sự tự do nhưng nó cũng khó để nhìn thấy, khó để trân trọng hơn so với cái đẹp đúng chuẩn mực, được công nhận bởi những người xung quanh.
Niềm tin giới hạn số 5: Phụ nữ là phải ưu tiên gia đình hơn sự nghiệp
Một sự tiến thoái lưỡng nan mà người đàn ông ít khi phải trăn trở. Nhưng lại có thể là một áp lực, bối rối cho những người phụ nữ muốn theo đuổi sự nghiệp, đam mê, giấc mơ.
Nhìn sâu hơn một xíu thì ta có thể nhận ra rằng không phải cứ là gia đình thì sẽ là hạnh phúc, bình an, mãn nguyện. Không phải cứ ưu tiên gia đình là mọi chuyện sẽ êm đẹp.
Nếu chúng ta có một gia đình đầm ấm, mọi người yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Ta thấy ba mẹ có một mối quan hệ hạnh phúc, biết quan tâm, chia sẻ thì khả năng cao với ta gia đình sẽ là một điều mà ta muốn hướng tới. Ta cũng muốn có một gia đình nhỏ đầm ấm, hạnh phúc. Đời sống gia đình của ta cũng dễ thuận lợi hơn vì những niềm tin tích cực được xây dựng trong quá trình lớn lên.
Nhưng ngược lại, nếu ta lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương, gia đình nhiều căng thẳng, cha mẹ đối xử với nhau độc hại thì có thể gia đình không phải là thứ mà ta muốn ưu tiên trong cuộc sống của mình. Ta có thể đã học được rằng gia đình là bất hạnh, là khổ đau, lừa dối. Ta cũng không có những hình mẫu để hướng tới, để học hỏi cách hành xử lành mạnh trong đời sống gia đình.
Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới vào năm 2018, trung bình cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, chiếm tỷ lệ 30% tổng số cặp đôi. Nghĩa là 10 cặp kết hôn thì sẽ có 3 cặp ly hôn. Hôn nhân, gia đình đâu phải là điều hoàn hảo mà cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Không phải cứ ưu tiên gia đình là mọi thứ sẽ êm đẹp.
Trước khi quyết định ưu tiên cho gia đình hơn là sự nghiệp hoặc sở thích, đam mê cá nhân thì mình nghĩ cần phải có sự cân nhắc rất thấu đáo. Chưa kể ta không cần phải máy móc ưu tiên gia đình tuyệt đối. Hoàn toàn có thể ưu tiên gia đình vào 1 giai đoạn, ưu tiên sự nghiệp vào một giai đoạn khác. Lựa chọn này dễ thở hơn nhiều mà đúng hông?
Những niềm tin giới hạn này ảnh hưởng lớn tới cuộc sống nhưng mình thấy ít khi có dịp nào đó để ngồi xuống phân tích mổ xẻ một cách tường tận. Mong là qua bài viết với một số góc nhìn này sẽ cho bạn thêm cảm hứng, thêm ý tưởng để tự nhìn lại xem thử bản thân sẽ sử dụng những niềm tin này như thế nào trong cuộc sống.