5 trụ cột giúp bạn làm việc hiệu quả
Với 5 trụ cột làm việc hiệu quả, bạn có thể từng bước tìm hiểu và có những áp dụng phù hợp nhất với chính mình.
Sau tết đã 1 thời gian, bạn có bị vơi đi một chút năng lượng cho công việc không? Nếu có, thì bài viết về chủ đề làm việc hiệu quả này chắc là dành cho bạn rồi đây
Bạn có biết, mỗi ngày trôi qua, có vô vàn yếu tố lấy đi sự chú ý, làm chúng ta xao nhãng? Làm việc tập trung, hay làm việc hiệu quả càng trở thành một kỹ năng quan trọng, đặc biệt trong kỷ nguyên của sự kết nối, thông tin như hiện nay.
Nếu bạn đang cảm thấy khó khăn trong việc tìm cách cải thiện năng suất làm việc, dù vì lý do mới ăn tết xong, hoặc tình trạng này đã kéo dài từ năm này qua năm khác, thì bạn không nên bỏ qua việc tìm hiểu 5 trụ cột dưới đây. Khi bạn biết cách áp dụng và tối ưu hóa những trụ cột này, năng suất của bạn có thể cải thiện đáng kể, thậm chí là gấp nhiều lần nếu bạn thực hành một cách nghiêm túc.
1. Năng lượng
Để làm việc tốt hơn, bạn cần quản lý năng lượng của mình. Một trong những khía cạnh đầu tiên bạn cần cân nhắc là giấc ngủ.
Lần gần nhất thiếu ngủ, sáng hôm sau bạn sẽ làm việc như thế nào? Riêng mình thì nói chuyện lắp bắp, đôi khi quên mất cần phải nói gì trong lúc đang giảng bài trên lớp. Một giấc ngủ không chất lượng khiến mình uể oải, khó khăn hơn trong việc diễn đạt, giao tiếp.
Ngược lại, khi biết cách chuẩn bị những yếu tố cần thiết để có một giấc ngủ tốt, mình cảm thấy có nhiều năng lượng vào ngày hôm sau và làm việc hiệu quả hơn.
Vậy như thế nào là một giấc ngủ chất lượng? Có thể bạn thường nghe phải ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. Nhưng số lượng thôi là chưa đủ. Bạn cần phải ngủ sâu và ngủ đúng để cơ thể thực sự được nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng.
Yếu tố thứ hai chúng ta cần cân nhắc là ăn uống. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên về tác động của cách bạn ăn uống tới năng lượng nhiều thế nào. Đặc biệt là thức ăn nhanh và đường là những kẻ thù của sự tập trung, làm việc hiệu quả. Vì vậy, hãy chú ý hơn tới loại thực phẩm bạn tiêu thụ để có mức năng lượng ổn định, tối ưu cho cả ngày làm việc.
Yếu tố thứ ba là cảm xúc. Có những ngày rất vui và bạn làm việc thật hiệu quả. Có ngày bạn lại cảm thấy buồn bã, uể oải, không muốn làm gì hết. Cảm xúc là một yếu tố quan trọng tác động tới năng lượng, động lực làm việc của bạn. Bởi vậy, để duy trì nguồn năng lượng này suốt cả ngày, chúng ta cần chú ý hơn tới cảm xúc của mình, học cách đối diện với những cảm xúc khó khăn và điều chỉnh lối sống để có nhiều hơn những cảm xúc thoải mái, vui tươi.
Ngoài ba yếu tố trên, tinh thần cũng tác động rất nhiều tới năng lượng của bạn. Tất cả những gì bạn tiêu thụ mỗi ngày, từ bộ phim bạn xem, mạng xã hội bạn sử dụng đến những người bạn gặp,… Chúng ta nên tiêu thụ như thế nào để làm thấy có năng lượng, được thấy nuôi dưỡng, bình an hơn, thay vì giải trí thật nhiều để rồi cảm thấy căng thẳng, lo lắng nhiều hơn.
2. Sự tập trung
Bạn có thể ngồi tập trung làm việc trong vòng bao lâu?
Hãy tưởng tượng nếu cứ vài phút chúng ta lại mất tập trung bởi smartphone, từ những người xung quanh thì sẽ thật khó để hoàn thành công việc.
Thay vì làm nhiều thời gian hơn thì chúng ta có thể làm việc hiểu quả hơn để có thời gian cho những việc quan trọng khác.
Quản lý những yếu tố xao nhãng là một trong những cách giúp bạn cải thiện sự tập trung. Tìm hiểu xem bạn đang mất tập trung bởi điều gì và từng bước loại bỏ những xao nhãng đó? Ngoài ra, bạn có thể áp dụng những bài tập, phương pháp khác nhau để rèn luyện khả năng tập trung của mình.
3. Mức độ ưu tiên
Bạn có thói quen sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những công việc mình làm không?
Có nhiều năng lượng, khả năng tập trung tốt nhưng không biết phân bổ nguồn năng lượng của mình thì bạn có thể kết thúc một ngày mà cảm thấy mình không làm được gì nhiều cả.
Một nguyên lý có thể bạn đã nghe là Pareto, hay còn được gọi là nguyên tắc 80/20. Khoảng 80% kết quả tạo nên bởi 20% công việc.
Hãy xác định những việc quan trọng, tạo ra kết quả lớn nhất mà bạn sẽ thực hiện trong ngày và dành năng lượng cho nó. Bạn có thể sẽ không còn rơi vào trạng thái bận rộn không hiệu quả hay quá tải khi bạn đã biết mình cần tập trung vào điều gì.
4. Công cụ để làm việc hiệu quả
Ngoài việc quản lý năng lượng, sự tập trung và mức độ ưu tiên, việc tận dụng những công cụ hỗ trợ làm việc có thể giúp bạn rất nhiều trong việc cải thiện năng suất.
Dưới đây là một số công cụ mình sử dụng để cải thiện năng suất công việc mà bạn có thể tham khảo.
- Công cụ đầu tiên là Pomodoro, phương pháp làm việc hiệu quả trong thời gian ngắn hạn.
- Với công cụ để ghi chú, quản lý thông tin, dữ liệu, Notion hay Evernote sẽ giúp bạn rất nhiều.
- Để quản lý công việc, lịch trình, Google Calendar là một công cụ đơn giản nhưng có thể vô cùng hữu ích.
- Hay Mindfulness Bell giúp bạn luyện tập đem sự chú tâm vào những việc mình làm và cải thiện sự tập trung.
5. Kỹ năng thay đổi thói quen
Mình vừa liệt kê ra khá nhiều phương pháp, công cụ bạn có thể áp dụng để tăng năng suất làm việc. Tuy nhiên, để thực sự có những thay đổi bền vững, thói quen chính là cách giúp bạn đưa những thay đổi này vào cuộc sống và duy trì chúng. Hiểu về quá trình thay đổi thói quen, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết sẽ giúp bạn từ từ tăng năng suất làm việc của mình.
Làm việc hiệu quả không chỉ giúp bạn thành công hơn trong công việc mà nó còn tạo cơ hội để bạn có thêm thời gian, năng lượng cho những khía cạnh khác trong cuộc sống. Với 5 trụ cột trên, bạn có thể từng bước tìm hiểu và có những áp dụng phù hợp nhất với chính mình.