8 nhận định sai lầm về thông minh cảm xúc

8 nhận định sai lầm về thông minh cảm xúc

Trong quá trình tiếp xúc hoặc thực hành EQ (trí tuệ cảm xúc), một vài nhận định khác phổ biến có thể ngăn cản bạn bắt đầu việc thực hành của mình cũng như bị mất đi kỹ năng nếu đã thực hành được một thời gian. Hãy cẩn thận. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những hiểu sai phổ thông về trí tuệ cảm xúc, để chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn về EQ

1.  Người có EQ cao dễ làm hài lòng người khác

Đây là một hiểu sai khá phổ biến khi nghĩ về người thực hành EQ. Thực tế, người EQ cao sẽ có kỹ năng đồng cảm với người khác. Nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể đồng cảm được một cách tuyệt đối.

Về mặt quy trình, họ phải hiểu được cảm xúc của mình trước, quan sát những cảm xúc khó chịu, dễ chịu trong những tình huống cụ thể. Sau đó họ mới dùng kĩ năng đồng cảm, để có thể hiểu cho hoàn cảnh, cảm xúc của người khác và có những phản hồi phù hợp.

Ví dụ sau sẽ cho bạn góc nhìn rõ ràng hơn. Những lúc hẹn hò bạn gái của bạn chỉ luôn bấm điện thoại. Trong lòng bạn thấy rất khó chịu và:

Bạn sẽ làm gì nếu người yêu luôn dùng điện thoại khi gặp bạn?
  • Một người tưởng rằng có EQ cao, sẽ lờ chuyện đó đi để bạn gái của mình được thoải mái, mặc dù trong lòng đang rất khó chịu. Đó không phải là đồng cảm. Để đồng cảm, bạn cần hiểu rõ cảm xúc của mình trước.
  • Một người có EQ cao sẽ nói sự thật này cho bạn gái họ hiểu bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng và dễ chấp nhận. Họ có khả năng nói thật cảm xúc của mình nhưng vẫn đưa ra một phương án có thể cân nhắc chứ không ép bạn gái phải làm theo ý muốn của mình, cũng không tấn công bạn gái vì tập trung chơi game, sử dụng điện thoại mà bỏ bê cuộc hò hẹn hò.

2. EQ cao là bẩm sinh

Một số người sinh ra đã có khả năng nhạy cảm với cảm xúc của chính mình lẫn cảm xúc của những người xung quanh.

Chuyện này vừa đúng mà cũng vừa sai. Có một số người sinh ra đã có sự nhạy cảm rất lớn. Họ quan sát được cảm xúc của những người xung quanh và điều chỉnh cảm xúc của họ sao cho phù hợp. Nhưng việc thấy được cảm xúc của bản thân và người khác chỉ là hai hay ba kỹ năng trong 8 kỹ năng về EQ, không phải tất cả những khía cạnh của một người thuần thục sử dụng EQ.

Thực tế, đa phần những người có EQ cao đều trải qua quá trình tập luyện rất dài chứ không phải bẩm sinh đã vậy. Vì vậy, nếu bạn thấy mình là một người không có khả năng hiểu và điều chỉnh cảm xúc của bản thân, thì qua tập luyện từ từ, bạn có thể dần làm được điều này.

Chúng ta không sinh ra với EQ bẩm sinh, bạn hoàn toàn có thể luyện tập

Không cần vội vàng. Những người có EQ cao đa phần phải tập luyện, trải qua một quá trình dài thực hành, họ mới làm chủ được 8 kỹ năng cơ bản của EQ.

3. Người có trí tuệ cảm xúc sẽ không làm tổn thương người khác.

Chúng ta phải đồng ý rằng những người có EQ cao đã từng là một người có EQ thấp.

Cuộc sống có quá nhiều sự phức tạp với những biến số không thể lường trước. Việc không luyện tập thường xuyên, có thể khiến họ vô tình làm tổn thương người khác. Hành động tiếp sau đó, sẽ quyết định họ có EQ cao hay không. Với người có EQ cao, họ hiểu được tổn thương có khi là điều khó tránh. Họ lựa chọn phản hồi phù hợp sau khi nhận ra mình đã làm tổn thương đối phương.

Gần đây nhất mình đã làm cho vợ mình tổn thương. Mình nói rằng “Từ nay anh sẽ không quan tâm tới cái chuyện em ăn đậu hũ nữa”. Câu chuyện xảy ra khi mình đang đứng ở cửa hàng chờ bạn vào mua chả cá chay. Vợ mình đi ra và nói với mình bạn ấy thèm ăn đậu hũ. Nhưng gần đây, bác sĩ có nói rằng bạn không được ăn đậu hũ, vì nó có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của bạn. Nhưng cái tay cái mắt nhanh hơn suy nghĩ, bạn mua chưa có sự cân nhắc kỹ. Mình có thể bỏ qua chuyện này. Tuy nhiên, mình cố tình tạo ra một không gian khiến bạn cảm thấy bị tổn thương. Mình hiểu không có khoảnh khắc bị tổn thương, gây chấn động lớn tới cảm xúc, suy nghĩ như thế này, vợ mình rất khó để điều chỉnh, không lặp lại chuyện này nữa.

Bạn thấy đó, đôi khi một người có EQ cao hiểu rằng họ sẽ phải làm tổn thương người khác, hoặc họ sẽ phải điều chỉnh bản thân mình sau đó.

4. Những người có EQ cao sẽ không bị tổn thương

Là con người, chúng ta đều có thể bị tổn thương, vào một thời điểm nào đó. Nhưng giống với ví dụ trước, quan trọng là cách chúng ta xử lý tình huống sau khi bị tổn thương.

Người có EQ cao sẽ chữa lành tổn thương, hay gặm nhấm nó?

Những người có EQ thấp hoặc không thực hành EQ, có thể sẽ gặm nhấm nỗi đau, chìm trong sự đau khổ, tổn thương từ ngày này qua ngày khác. Trái lại, với người có EQ cao, họ có thể ngồi xuống quan sát, tìm hiểu điều gì khiến họ có cảm xúc đó và thông điệp của cảm xúc ấy là gì. Từ đó, họ tìm được phương pháp vượt qua sự tổn thương trong thời gian ngắn.

5. Người có IQ cao thì EQ thấp và ngược lại

Tâm trí thường bóp méo và tạo ra những câu chuyện khác nhau. Chúng ta có thể dễ dàng tin rằng, những người có IQ cao, EQ sẽ thấp. Ngược lại những người có EQ cao thì IQ sẽ thấp.

Trên thực tế, IQ và EQ là hai chỉ số riêng biệt với những đặc điểm khác nhau.


6. Chỉ người làm quản lý doanh nghiệp/ lãnh đạo mới cần EQ

Nếu người quản lý hoặc  cha mẹ có EQ cao, sẽ thật tuyệt vời cho nhân viên và con cái khi có người thấu hiểu và chấp nhận những cảm xúc của họ. Nhưng trên thực tế, ai cũng cần có EQ. Nếu không có EQ, chúng ta không thể giao tiếp lành mạnh với chính mình và những người xung quanh. Chúng ta chạy trốn, không giải quyết được vấn đề của bản thân hoặc có những mâu thuẫn không thực sự cần thiết.

7. Đã có thông minh cảm xúc thì không cần thực hành thực hành nữa

Mình lấy ví dụ về một cầu thủ bóng đá. Họ có thể đá rất hay, kỹ thuật tốt. Nhưng chỉ cần không tập luyện trong vòng 3 tháng, khi trở lại sân cỏ, không chắc cầu thủ đó thể hiện được hết năng lực của mình. Việc không thực hành trong một thời gian khiến họ không có cảm giác bóng tốt, thể lực suy giảm.

Tương tự với EQ, nếu không thực hành, kỹ năng của bạn sẽ bị mai một. Bạn dễ quay lại trạng thái phản ứng, thay vì khả năng phản hồi đã từng thực hành trong thời gian trước đó.

EQ là một kỹ năng, cần được thực hành đều đặn

Vì vậy chúng ta cần thực hành EQ mỗi ngày. Bởi EQ là một câu chuyện, hành trình rất dài, để có thể hiểu được cảm xúc của mình, điều chỉnh nó chứ không đơn thuần là một cột mốc, làm được vài ngày là đến đích.

Bạn hãy coi mỗi lần thực tập là một bước trong hành trình thực hành EQ rất dài, có thể là trong suốt cuộc đời của bạn.

8. Trí tuệ cảm xúc chỉ dành cho phụ nữ

Đồng ý rằng phụ nữ có thể nhạy cảm hơn về mặt cảm xúc, nam giới thì có phần gai góc, mạnh mẽ hơn. Nhưng đó chỉ là những đặc điểm, không có một thống kê, bằng chứng nào để kết luận phụ nữ có EQ cao hoặc dễ thực hành hơn nam giới.

Lầm tưởng này có thể khiến cả nam và nữ dễ tổn thương. Vậy nên dù là giới tính nào, bạn đều có khả năng thực hành EQ giống nhau, có thể tiến bộ được nếu bạn dành đủ thời gian và sự nghiêm túc.

Hy vọng 8 quan niệm sai vừa rồi giúp bạn hiểu hơn về EQ và hữu ích trong quá trình thực tập của bạn.