Đừng vội phát triển bản thân nếu...
Nếu bạn đã từng đọc rất nhiều sách, xem nhiều bài học, rèn luyện nhiều kỹ năng để phát triển bản thân nhưng vẫn không thấy kết quả, đừng bỏ qua bài viết này
Đừng phát triển bản thân nếu bạn chưa hiểu được chính mình.
Đây là thông điệp rất quan trọng mình muốn chia sẻ đến bạn trong bài viết này. Mình nhận thấy, nếu chưa thể hiểu bản thân, thì dù có thể bạn đọc thật nhiều sách, gặp bao nhiêu người truyền cảm hứng, cũng không giúp bạn có nhiều sự thay đổi trong cuộc sống.
Có thể bạn đã từng rơi vào tình trạng đọc nhiều sách, được truyền nguồn truyền cảm hứng khác nhau, quyết tâm thay đổi nhiều lần với những kỹ năng phát triển bản thân nhưng vẫn không thành công. Mình nghĩ một trong những nguyên nhân đến từ việc bạn chưa hiểu bản thân.
Hãy cùng liên tưởng việc phát triển bản thân với mục tiêu leo đỉnh Everest. Với những người luyện tập thường xuyên, đã thử thách bản thân với những ngọn núi thấp hơn, hiểu rõ khả năng và thể trạng của mình, đây có thể là mục tiêu phù hợp. Họ biết đâu là công cụ, đồ bảo hộ phù hợp, những kỹ năng nào cần rèn luyện để từng bước chinh phục ngọn núi.Ngược lại, nếu bạn không hiểu lắm về bản thân mình thì sao?
Có thể bạn được xem một bộ phim về Everest, một trang blog truyền cảm hứng về việc chinh phục đỉnh Everest trong thời gian ngắn, hay từ con số 0 trở thành người leo núi kì cựu. Những hình ảnh hứa hẹn về tương lai như vậy thường mang lại nhiều cảm xúc, động lực. “Bạn làm được thì tôi cũng làm được.” Bạn háo hức một ngày nào đó cũng sẽ leo Everest. Thực tế thì, khi chưa biết mình là ai, bạn rất khó để thực hiện việc này. Có thể bạn sẽ lạc đường, làm mãi vẫn thất bại. Hoặc ngay từ đầu, việc leo núi không phù hợp với bạn.
Câu chuyện về phát triển và thấu hiểu bản thân cũng tương tự như vậy. Đó có thể là lý do những nỗ lực bạn bỏ ra cho việc đọc sách, học hỏi, gặp gỡ nhiều người thành công dường như không mang lại nhiều sự thay đổi. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang không rõ về bản thân. Bởi vì khi không biết mình đang đứng đâu, rất khó để đến được nơi bạn muốn tới, dù cho bạn sử dụng phương tiện nào đi nữa.
Vậy câu hỏi tiếp theo chúng ta cần trả lời:
“Thế nào là hiểu về bản thân?”
Để có thể thấu hiểu bản thân, bạn cần xem xét những khía cạnh sau đây.
1. Điểm mạnh
Đây là một trong những thứ hiểu về bản thân phổ biến các bạn có thể biết. Điểm mạnh là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới công việc của bạn. Nếu không hiểu mình giỏi ở chỗ nào, có thể bạn sẽ chật vật hơn trong lựa chọn nghề nghiệp, những công việc, tương tác hàng ngày.
Thế giới chúng ta đang sống có hơn 7 tỉ người, mỗi người với những thế mạnh riêng. Tập trung vào điểm mạnh cũng giống như tập trung vào những điều quan trọng nhất. Khi đó, bạn sẽ vững tin hơn, chắc chắn với con đường riêng của mình, không phải của những người xung quanh. Vì vậy, khám phá và phát triển điểm mạnh của chính bạn chứ không phải điểm mạnh của một người nào đó là điều cần thiết ở mỗi người.
2. Điểm yếu
Hiểu về điểm mạnh thôi là chưa đủ. Bạn cũng cần biết điểm yếu của mình. Khi hiểu cả về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, bạn có thể làm việc nhóm với những người xung quanh một cách hiệu quả. Đó là cách bù đắp cho những điểm bạn bị thiếu hụt. Nếu không, có thể bạn sẽ phải loay hoay với một số việc hàng ngày.
3. Hệ thống niềm tin
Bạn tin điều gì và không tin điều gì?
Niềm tin là tất cả những gì bạn tin tưởng bấy lâu nay. Có người lớn lên với niềm tin có thể thay đổi mọi thứ, làm chủ được vận mệnh. Ngược lại, cũng có những người tin cuộc sống này là định mệnh, họ không thay đổi được gì nhiều.
Niềm tin giống như lăng kính bạn dùng để nhìn thế giới. Hiểu được hệ thống niềm tin này, bạn sẽ dần giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc, định kiến, cạm bẫy của tâm trí để thấy được nhiều sự thật hơn, nhìn thế giới bằng sự rõ ràng, chân thực.
4. Cảm xúc bản thân
Có thể chúng ta đã dần quen hơn với khái niệm EQ – Emotional Intelligence hay trí thông minh cảm xúc. Tuy vậy, phần lớn chúng ta chưa hiểu hay không biết cách đối diện với cảm xúc của mình. Tại sao mình buồn, vui, cô đơn hay hạnh phúc. Cảm xúc được tạo ra bởi đâu?
Khi không hiểu cảm xúc của mình, có thể bạn sẽ thường xuyên hơn cảm thấy buồn chán, bất an, không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Để hiểu được mình, cảm xúc là một khía cạnh chúng ta cần dành nhiều thời gian để khám phá, rèn luyện.
5. Logic – Lí trí
Xa hơn một chút, chúng ta sẽ học những bài học về tư duy.
Tại sao chúng ta lại có suy nghĩ? Tại sao chúng ta nghĩ theo cách này mà không phải cách khác. Tại sao chúng ta tin hoặc không tin một ai đó. Làm thế nào để chúng ta có thể ra những quyết định đúng đắn. Rất nhiều câu hỏi khác nhau cần trả lời. Không hiểu những suy nghĩ, tư duy của mình, chúng ta khó để đưa ra quyết định đúng đắn.
6. Tâm trí- trực giác
Một câu hỏi có thể bạn đã từng thắc mắc là cơ thể này có phải của chúng ta không? Những suy nghĩ trong đầu có phải là bạn? Khi tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ được biết rằng tất cả mọi thứ được tạo lên bởi 4 nguyên tố đất nước lửa khí. Cơ thể chúng ta cũng vậy. Để hiểu được điều đó chúng cần khá nhiều thời gian suy ngẫm, tìm hiểu, đi sâu vào chính mình.
Bạn thấy đó, chúng ta biết nhiều về thế giới bên ngoài mà không rõ về điểm mạnh, điểm yếu, cảm xúc, niềm tin, tâm trí của mình. Từ nhỏ đến lớn, chúng ta được khuyến khích, truyền cảm hứng để khám phá thế giới, đi du lịch nhiều nơi, trải nghiệm nhiều công việc, con người khác nhau mà ít khi được ai đó nói phải học về thế giới bên trong, tìm hiểu chính mình.
Khi đi vào thế giới bên trong, bạn sẽ thấy nó cũng đầy màu sắc, đa dạng và có nhiều điều thú vị để khám phá. “The way out is in”. Tuy nói rằng đi vào bên trong nhưng thật chất nó vẫn là bước đi để bạn tìm hiểu, học hỏi thế giới bên ngoài. Khi hiểu được mình rồi, bạn cảm nhận cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn. Có thể bạn yêu ai đó lâu bền hơn, biết cách nói chuyện trong bình an với những người xung quanh, tạo nên sự hòa giữa mình và thế giới bên ngoài. Đó là đích đến của việc thấu hiểu bản thân.