Giá trị bản thân của bạn, nằm ở đâu?
Nhiều lần trong đời có thể bạn hoang mang, hoài nghi về giá trị bản thân. Thay vì tìm một hướng đi, ta dễ chìm trong suy nghĩ tiêu cực.
Nhiều lần trong đời có thể bạn hoang mang, hoài nghi về giá trị bản thân. Chưa biết nghề nghiệp nào phù hợp hay đang làm một công việc không thích. Cũng có thể đã ngoài 25 mà vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Ngoài 30 nhưng chưa tìm được ai đó để yêu, xây dựng gia đình. Có chiều cao không giống tiêu chuẩn của đám đông. Ngoại hình khác với chuẩn mực của các ca sĩ, diễn viên thể hiện trên mạng xã hội. Hoặc bạn vừa trải qua trận cãi nhau với ba mẹ, sếp, người thân.
Trong những lần suy nghĩ lạc lối, sự tiêu cực càng bám lấy bạn nhiều hơn. Chắc là mình không được yêu mến. Chắc họ không quan tâm tới mình đâu. Chắc mình không có giá trị gì cả, không đáng để yêu thương. Hẳn là bạn đã từng có những suy nghĩ này trong đầu.
Biết làm sao đây. Thay vì tìm cho bản thân một lối đi riêng, ta dễ chìm trong suy nghĩ tiêu cực, tự làm bản thân đau. Để rồi sau những lần dồn nén cảm xúc, hoài nghi, thất vọng, bạn lao vào những tháng ngày thay đổi ngoại hình để làm vừa lòng người khác, kiếm thật nhiều tiền để chứng minh giá trị với một ai đó. Cũng có thể bạn dần biến mất khỏi cuộc đời người kia để né tránh hay khiến họ trải nghiệm cảm giác mất đi sự hiện diện của bạn.
Từ nhỏ đến giờ, chúng ta thường bị kéo vào những cuộc đua không có đích đến của việc tìm kiếm sự công nhận từ người khác. Giá trị bản thân được định hình bởi người khác, qua sự công nhận tài năng, ngoại hình, tính cách hay thành quả nào đó. Dường như những điều chúng ta làm, đều ẩn chứa mong muốn thỏa mãn nhu cầu của một ai đó. Có thể bằng cách mang thật nhiều phụ kiện lên người, nhuộm màu tóc mới nhất, dùng loại nước hoa mắc tiền. Cũng có thể là học thật giỏi để giữ danh hiệu đứa con ngoan, người học trò gương mẫu. Ta theo đuổi lối sống này, lối sống kia để có được hình ảnh lung linh hơn trong mắt mọi người.
Và rồi một ngày nào đó, ta trở nên xa lạ với chính mình. Đây không phải là mình. Đây là cuộc sống mình muốn người khác nhìn thấy. Mình dựng lên nhiều hình ảnh, lớp vỏ bọc khác nhau để bảo vệ, che đậy con người yếu đuối bên trong
Gần đây, có một cậu học trò chia sẻ với mình những suy nghĩ tiêu cực em phải đối diện trong suốt khoảng thời gian qua. Đã có thời điểm em dành cả năm trời để đối diện với trầm cảm. Rồi em tìm đến những khóa học ở Trường Vui Lên, đều đặn xem video nhưng ít khi tham gia những buổi học live.
Cho đến gần đây, khi đã trải qua một hành trình dài của sự thay đổi, em mới dám bật camera trong lớp học. Một hành động tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và can đảm. Mặc dù trong vài buổi học đầu tiên, em luôn muốn trốn chạy vì sự căng thẳng chờ chực như có thể nuốt lấy bất kỳ lúc nào.
Rồi một ngày, em chia sẻ với mình rằng em đã ổn hơn và tham dự các buổi học live đều đặn. Và giờ, mẹ cũng ủng hộ việc em học ở Trường Vui lên.
Những chia sẻ về sự thay đổi ấy khiến mình cảm thấy bản thân đang sống có ý nghĩa. Không cần biết ngoại hình, tính cách, những thành tích em đạt được trong quá khứ, chỉ với việc em thay đổi đã là một sự hiện diện lớn lao và làm cuộc sống mình trở nên sống động.
Tuy không nói điều này cho em biết, nhưng sự hiện diện của em trong cuộc đời này cũng là một niềm vui lớn lao với mình và những người dành tình cảm cho em
Ngày trươc chỗ mình ở có một anh có tiếng là bắt nạt người yếu thế. Nên sau này khi gặp tai nạn, trở thành người thực vật, rất nhiều câu chuyện được kể về anh, như một kết quả tất yếu của luật nhân quả. Sống ác rồi giờ chỉ có thể nằm một chỗ. Tất cả những sinh hoạt hàng ngày đều cần vợ con chăm sóc hoặc máy móc hỗ trợ.
Với hầu hết mọi người, sự hiện diện của anh đã không còn. Không còn là một người cán bộ hét ra lửa, khiến mọi người sợ hãi khi đối mặt. Tuy mất đi sự công nhận từ nhiều người, nhưng giá trị bản thân anh đang nằm ở sự hiện diện, điều này mang lại ý nghĩa lớn lao cho những người anh trân quý.
Bây giờ hãy thử tưởng tượng người bạn yêu quý nhất đang nằm bên kia cánh cửa, trải qua cơn đau thập tử nhất sinh. Cảm xúc và suy nghĩ của bạn lúc này thế nào? Bạn có thể dừng lại đôi chút để tưởng tượng về tình huống đó. Bước ra khỏi phòng bệnh, bác sĩ nói rằng gia đình có thể yên tâm, người nhà của bạn đã qua cơn nguy kịch. Tuy vậy, với tình trạng tiến triển của bệnh, khó có thể quay lại cuộc sống bình thường. Rất cần sự hỗ trợ của người thân trong thời gian phục hồi.
Lúc này, có thể trong bạn là một sự nhẹ nhõm lớn lao. Người mình yêu quý vẫn còn sống, vẫn còn ở đây. Cuộc đời mình vẫn được đủ đầy chứ không bị khoét một hố đen sâu thẳm vì sự ra đi của họ. Dù thời gian phía trước không dễ dàng, nhưng sự hiện diện, sự sống của họ là điều mà ta sẽ vô cùng trân quý.
Chúng ta hãy cùng thử trải nghiệm tàu lượn cảm xúc một lần nữa. Bạn nhận được tin nhắn báo rằng chuyến xe người thân đi tối qua vừa gặp tai nạn. Bạn sẽ có cảm xúc và suy nghĩ như thế nào?
Hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về tin tức vô cùng chấn động này. Dù người thân từng có những lời nói, hành động khiến bạn vô cùng tổn thương, nhưng ngay giây phút này, có thể điều bạn mong cầu nhất là sự an toàn của họ.
Đến khi biết là họ an toàn, chỉ bị trầy xước nhẹ, bạn thở phào nhẹ nhõm. Đương nhiên những tổn thương trong quá khứ vẫn còn đó, nhưng trong một vài phút giây bạn đã thành tâm hy vọng cho họ được ổn. Sự hiện diện của họ vô cùng quan trọng trong cuộc đời bạn. Còn sống là còn có thể thay đổi, làm lại từ đầu.
Có thể vì một lý do nào đó mà trong phần lớn thời gian cuộc đời, bạn để giá trị bản thân được định nghĩa qua những thứ vỏ bọc bên ngoài được xã hội tán dương để rồi thất vọng, lạc lõng khi không đạt được những giá trị đó.
Những lúc như vậy, hãy nhắc nhở bản thân rằng, sự hiện diện của bạn thôi đã vô cùng quý giá. Chỉ cần bạn còn hiện diện trên thế giới này, mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn.
Nếu không có sự hiện diện của bạn, bài viết này đã không xuất hiện và mình đã không có cơ hội để mang lại giá trị cho bất kỳ ai. Vậy bạn có thấy, sự hiện diện của mình, chỉ đơn thuần là còn sống, đã thật là quý giá biết bao chứ.
Xem thêm: Khóa học Resilience-Xây dựng sức bật tinh thần để vượt qua những lúc khó khăn