Kỹ năng lắng nghe của bạn cần cải thiện nếu...
Đây là 5 kiểu lắng nghe sai, mình tổng hợp được từ quá trình quan sát học trò, những người xung quanh và đương nhiên là bản thân mình nữa. Đặc biệt là kiểu lắng nghe số 3.
Bạn có nghĩ là bản thân có kỹ năng lắng nghe tốt không? Nhìn chung thì mình thấy chúng ta đa phần khá tệ ở kỹ năng này. Chúng ta nghe để cho lời khuyên, nghe để được nói, giả vờ nghe, thậm chí là nghe để làm hài lòng người khác hơn là lắng nghe đích thực, mà mình gọi là lắng nghe sâu.
Những kiểu nghe này chắc chắn là gây hại tới bạn, người nghe. Đương nhiên cũng trực tiếp và gián tiếp ảng hưởng tiêu cực tới người nói nữa. Nghe sai làm chúng ta khó có thể đồng cảm, tạo ra kết nối sâu sắc với người khác.
1. Nghe mà nghĩ tới chuyện mình
Đây là lỗi sai phổ biến nhất khi lắng nghe người khác, của cả mình và rất nhiều người chia sẻ với mình. Người ta kể chuyện mà chúng ta thì đắm chìm trong câu chuyện của chúng ta, những điều mà chúng ta sẽ chia sẻ sau khi họ nói, những giải pháp mà ta sẽ cung cấp cho họ. Lỗi sai này không tác động quá tiêu cực tới cuộc hội thoại hay mối quan hệ như 4 kiểu lắng nghe còn lại. Nhưng nó là tiền đề cho những lỗi sai khác.
Điều đầu tiên bạn cần nhận ra là dù có nghe chuyện của người khác hay không thì trong đầu của chúng ta cũng có hàng ngàn suy nghĩ xuất hiện. Trung bình là 60.000 suy nghĩ mỗi ngày. Khi người khác kể chuyện, những trải nghiệm, cảm xúc của họ sẽ kích hoạt những suy nghĩ, cảm xúc bên trong chúng ta. Nếu không có sự tập luyện chánh niệm thì khi những câu chuyện của chính mình xuất hiện, chúng ta sẽ ngay lập tức bị cuốn theo. Để rồi tình huống lúc nà là người kia thì nói, còn chúng ta thì mãi mê với những suy nghĩ của bản thân.
Bạn nào từng ngồi thiền một chút sẽ thấy việc chúng ta bị cuốn theo những dòng suy nghĩ là hết sức quen thuộc. Chỉ ngồi với bản thân mà ta đã mất tập trung như vậy thì việc ngồi với người khác, thêm luồng suy nghĩ của người khác, giờ đây chúng ta nhìn từ bên ngoài thì có vẻ đang nghe, nhưng bên trong thì đang du ngoạn khắp nơi.
Nếu bạn thấy bạn có xu hướng lắng nghe này thì… cũng không sao đâu. Sẽ có sao nếu cứ giũ thói quen này. Nhưng bạn hoàn toàn có thể tập luyện để có thể nhận diện được những suy nghĩ lang thang, rồi quay trở lại với câu chuyện, cảm xúc của người đang rất nhiệt tình ở trước mặt bạn. Câu chuyện của họ là quan trọng, là thứ cần được nghe và hiểu ngay lúc này.
2. Nghe để được nói
Đây là kiểu lắng nghe khiến cho những cuộc hội thoại đi vào bế tắc. Mối quan hệ khó thông suốt mà có thể chứa đựng sự đè nén, xa cách.
Những người với xu hướng nghe để được nói thì họ… nghe để được nói. Họ không chờ được người kia chia sẻ hết câu chuyện. Kết quả là họ thường xuyên làm gián đoạn bằng những bình luận, câu chuyện cá nhân, nhận xét về những điều mà người kia đang chia sẻ. Và bằng một thế lực nào đó, họ lại tiếp tục kể câu chuyện của họ, nói câu chuyện của họ dù rằng mục đích ban đầu là để người kia được tâm sự.
Nhận diện và chấp nhận là 2 bước rất quan trọng để chúng ta thay đổi những kiểu hành vi này. Nghe và nói là một quá trình qua lại. Vậy nên nếu bạn thấy bản thân đang nói quá nhiều, cướp lời, làm gián đoạn khi người khác chia sẻ thì bạn cần nhận diện để thay đổi. Vì nếu không thì chúng ta khó có thể tiến được những bước tiếp theo để nâng cao kĩ năng lắng nghe, tạo ra sự an toàn cho những người xung quanh mỗi khi có cơ hội tương tác.
3. Nghe để cho lời khuyên
Không cho lời khuyên thì phải làm gì đây? Nghe là phải cho lời khuyên, vậy mới là nghe chứ. Đây là câu hỏi cũng như trăn trở của học trò mình khi mình hướng dẫn các bạn thực hành lắng nghe không cho lời khuyên.
Chúng ta quen với nói hơn là nghe, chúng ta thấy hành động gì đó sẽ tạo ra giá trị hơn là im lặng. Điều này dẫn tới việc chúng ta rất dễ để cho lời khuyên, nhận xét khi nghe câu chuyện của người khác. Quan trọng là chúng ta ít khi dừng lại để hỏi họ có xin mình lời khuyên không? Đời mình và đời họ khác nhau đủ thứ, sao lời khuyên mình cho lại đúng với họ được? Mình cho lời khuyên là vì mình hay là vì người kia?
Con người nói chung đều có tính tự chủ và muốn tính tự chủ của bản thân được tôn trọng. Rất nhiều lần chúng ta chia sẻ với người khác là vì muốn có người lắng nghe, muốn niềm vui hoặc nỗi buồn của chúng ta được công nhận. Chúng ta thậm chí vốn dĩ đã có câu trả lời rằng phải làm gì tiếp theo, nhưng ta vẫn cần một người nghe để xoa dịu cảm xúc, để nhận được sự đồng cảm. Nhưng nhìn chung thì khó để tìm được một người lắng nghe với sư đồng cảm.
Cho lời khuyên vẫn có giá trị. Nhưng nó chỉ phù hợp nếu người kia chủ động xin lời khuyên của chúng ta. Khi chúng ta đã lắng nghe thật kĩ mà không phán xét, chúng ta có nhận thức rõ ràng rằng lời khuyên của mình có thể mang lại giá trị cho người kia. Còn không chỉ đơn giản lắng nghe là đã rất giá trị rồi. Và đương nhiên là lắng nghe, không cho lời khuyên cũng tốn nhiều công luyện tập lắm đó.
4. Giả vờ nghe
Mình đoán là bạn đã từng giả vờ nghe rồi đúng không?
Giả vờ nghe hoặc vừa nghe vừa làm việc khác. Đây là kiểu nghe âm thầm gây hại cho mối quan hệ. Kiểu nghe này, mình đánh giá là còn nguy hiểm những kiểu nghe trước. Lắng nghe mà cho lời khuyên, nghe mà cướp lời thì vẫn còn chú ý đôi chút tới điều mà người kia chia sẻ. Còn giả vờ nghe thì chúng ta có thể ừ à khi người khác nói, chúng ta có thể nghe âm thanh nhưng hòan toàn không nghe được câu chuyện của người kia, không hiểu được cảm xúc, không hiểu được lí do gì mà người kia lại kể cho chúng ta nghe câu chuyện của họ.
Nhưng khoan. Để mình minh oan cho kiểu lắng nghe này một chút.
Chúng ta có giả vờ nghe vì có thể trong quá khứ, ta đã gặp phải một người nói quá nhiều, một người chúng ta không thích hoặc một người chỉ biết tới chuyện của họ mà chẳng biết tới chuyện của người khác. Nếu từ chối lắng nghe thẳng thừng thì lại làm họ khó xử. Nên thôi, chúng ta chọn cách giả vờ nghe. Cho họ cảm giác là chúng ta vẫn nghe. Hoặc thậm chí chúng ta cũng đã học được kiểu nghe giả vờ này khi chứng kiến phụ huynh, người trưởng thành xung quanh có lối hành xử tương tự.
Một hình thức khác của việc giả vờ nghe có thể là ta vừa nghe vừa làm việc khác. Ví dụ như vừa nghe vừa xem tivi, vừa nghe vừa đọc sách, vừa nghe vừa bấm điện thoại. Đương nhiên là với kiểu nghe nửa vời như vậy, chắc chắn chúng ta không hiện diện được với người kia, mối quan hệ cũng không có thêm những hiểu biết sâu sắc về nhau.
Kiểu lắng nghe này nguy hiểm ở chỗ nó là giải pháp tạm thời, ngắn hạn khi chúng ta không muốn nghe một ai đó. Nhưng nếu không có ý thức rõ rệt. Chúng ta sẽ dần tạo ra thói quen xấu của việc lắng nghe, làm mất đi giá trị của việc lắng nghe sâu.
Khi gặp ai đó mà vừa nghe vừa làm việc khác hoặc họ đang giả vờ nghe, mình thường chọn cách dừng lại, cho họ biết là mình sẽ nói tiếp khi họ xong việc, bỏ điện thoại xuống hoặc đã sẵn sàng tập trung vào câu chuyện mà mình chia sẻ. Mình rất hiểu và trân trọng giá trị của việc lắng nghe. Nên khi đã có kỹ năng vững chắc, mình dừng tiếp tay cho hành động giả vờ nghe.
5. Lắng nghe để làm hài lòng
Với kiểu nghe này, người nghe sẽ đồng ý với người nói dù không muốn đồng ý. Kiểu nghe này vùa giống mà vừa khác với giả vờ nghe. Giả vờ nghe cũng là một hình thức làm vừa lòng, nhưng người nghe vẫn giữ được những ranh giới nhất định. Mối quan hệ vẫn còn ở trạng thái ngang hàng. Nhưng với nghe để làm hài lòng, người nghe phải đeo lên một lớp mặt nạ để làm vừa lòng người nói.
Khi ta nghe để làm hài lòng người khác. Sớm hay muộn thì họ cũng sẽ mất lòng và có thể làm ta tổn thương. Đương nhiên nếu nghe mọi người kiểu này nhiều quá thì trong quá trình đó chúng ta cũng đã dễ đánh mất chính mình rồi. Cứ phải đồng ý với những điều mình không tin, đồng tình với những điều mình nghĩ ngưược lại thì sớm muộn chúng ta cũng sẽ lạc mất chính mình. Không biết đâu là điều mình cần tin, nên tin nữa, đâu là điều người ta muốn, đâu là điều mình muốn.
Mình có làm hẳn một khóa học miễn phí Làm hài lòng người khác, bạn thì sao? Nếu bạn thấy bản thân có xu hướng làm hài lòng người khác qua việc lắng nghe thì khóa học cũng giúp ích rất nhiều cho bạn đó.
Nghe là một quá trình trao đổi, kết nối và hiện diện với nhau. Nếu cứ nghe để làm hài lòng người khác thì chắn chắn lòng mình cũng khó mà yên ổn. Dù có thể chúng ta nghĩ rằng cứ chiều theo ý người nói thì mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, nhưng mà khó để ổn về lâu dài với cách nghe như vậy lắm.
Bạn thấy thế nào với 5 lỗi sai này? Bạn mắc phải mấy cái? Mình cũng từng mắc cả 5 lỗi sai này chứ cũng không phải giỏi giang gì đâu. Nhờ có quá trình học hành, đặc biệt là lớp học về tâm lí trị liệu mà mình dần nhận diện và thay đổi được những điều này. Còn bạn, nếu bạn muốn một hành trình thực tập lắng nghe, và xa hơn là đến với sự đồng cảm thì có thể tham khảo khóa học của mình nha.