Tại sao ta hay chạy trốn cảm xúc tiêu cực?

Tại sao ta hay chạy trốn cảm xúc tiêu cực?

Trong quá trình thực hành EQ (trí tuệ cảm xúc), khả năng đối diện cảm xúc tiêu cực (hay đúng hơn là cảm xúc không thuận lợi) là một trong những việc quan trọng bạn cần chú ý để nâng cao emotional literacy (khả năng nhận diện cảm xúc). Nếu chưa đối diện được với những cảm xúc không thoải mái, bạn sẽ chưa nhìn được toàn diện cảm xúc của mình. Tuy vậy, để đối diện với cảm xúc khó khăn này vốn không phải là điều dễ dàng và ta lại thường hay chạy trốn nó.

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những lí do vì sao chúng ta hay chạy trốn những cảm xúc tiêu cực.

1. Được giáo dục sai về cảm xúc

Khi còn là những đứa bé, bạn chỉ có thể khóc nếu có một nhu cầu như ăn, uống, hay đang cảm thấy khó chịu vì lúc đó năng lực ngôn ngữ chưa phát triển toàn diện. Dần dà trong quá trình lớn lên, bạn nhận ra rằng sau mỗi lần khóc, ba mẹ sẽ đáp ứng nhu cầu của bạn. Nhưng khi đạt đến độ tuổi nhất định, khóc sẽ không còn là cách thức phù hợp nữa.

Thật ra, khóc là một cảm xúc cụ thể. Bạn sẽ khóc khi hạnh phúc, khó chịu, buồn bã hay bất ngờ vì được ai đó tặng món quà sinh nhật,… Có nhiều lý do để người ta khóc. Nhưng trong quá trình giáo dục, nhiều bậc cha mẹ không cho phép con trai mình khóc, rằng hành động ấy chỉ dành cho con gái, là biểu hiện của sự yếu đuối. Niềm tin ấy ăn sâu vào nhiều người đàn ông, khiến họ không muốn khóc trước mặt người khác, hay phải dồn nén tận cùng để nước mắt không chảy ra.

Gần đây, mình có đi ăn một quán ở ven đường, tình cờ trông thấy một đứa bé tầm 6-7 tuổi đang nói chuyện với những người xung quanh thì người mẹ quay sang bảo “con trai không được nói nhiều”. Tương tự với việc khóc, đứa trẻ ấy sẽ tin đó là những điều không được làm. Nó sẽ tự động dồn nén khi những cảm xúc ấy tìm đến.

Tệ hơn, bạn có thể được giáo dục không nên có một số cảm xúc nhất định. Ví dụ như con trai không được tỏ ra yếu đuối, con gái không được quá mạnh mẽ. Ba mẹ luôn mong bạn lúc nào cũng có sự vui vẻ, yêu đời, lạc quan và năng động; còn những khía cạnh cảm xúc khác thì không được phép cảm nhận và chào đón.

Sự kìm nén cảm xúc là kết quả trong cách giáo dục mà chúng ta được nhận

Với cách thức giáo dục ấy, bạn sẽ quen với những lối mòn và không dám đối diện với cảm xúc khó khăn nữa, vì những niềm tin ràng buộc bạn đã được học trước đó. Tuy nhiên, cảm xúc là dữ liệu. Bạn sẽ không nắm bắt được thông điệp của cảm xúc khi không cho phép bản thân tiếp xúc với chúng. Bạn sẽ mất đi sự kết nối với những cảm xúc trong mình.

2. Không có cơ hội làm quen với cảm xúc khó khăn/tiêu cực

Từ làm quen quan trọng lắm. Khi quen với điều gì đó, bạn sẽ không bị tác động nhiều với sự hiện diện của chúng nữa. Giống như việc bạn thích lên Đà Lạt chơi, lần đầu hẳn sẽ rất háo hức với thành phố đầy mộng mơ này. Nhưng lần hai, cảm xúc đó có thể nguôi bớt, rồi giảm dần ở lần thứ ba, thứ tư. Đây chỉ là cái quen với cảm xúc thuận lợi.

Điều này cũng tương tự với những cảm xúc khó khăn. Ví dụ như việc nói trước đám đông. Vào lần đầu khi đứng trên bục và nhìn xuống khán giả, mình đã rất run. Nhưng sau nhiều lần như thế, mình đã có thể thoải mái nói chuyện trước nhiều người với ít sự vấp váp hơn. Lần đầu tiên trải nghiệm những cảm xúc không thuận lợi, bạn có thể rất khó chịu, bực dọc, bứt rứt,… và rồi lần hai, lần ba chúng cũng sẽ giảm xuống. Việc đối diện nhiều lần này đã giúp cho những cảm xúc trong bạn được giải phóng.

Vì vậy, khi bạn cho bản thân cơ hội làm quen, bạn sẽ không còn sợ đối diện với cảm xúc ấy nữa.

Nhiều người trong chúng ta có xu hướng né tránh sự cô đơn và đánh lạc hướng bằng việc tự làm cho bản thân bận rộn. Nhưng cá nhân mình lại có nhiều bước tiến lớn khi dành thời gian để làm quen với người bạn này. Sẽ là chặng đường trưởng thành đầy khó khăn nếu mình cứ mãi kết nối trong đám đông để rồi dễ lạc mất chính mình và không thực sự có những khoảng lặng để chiêm nghiệm. Khi cô đơn, mình hiểu mình cần gì, ai là người quan trọng và bản thân muốn sống cuộc đời như thế nào. Càng dành thời gian cho nhau mà không tránh né, bạn sẽ hiểu rõ hơn những thông điệp quan trọng cảm xúc muốn truyền đạt.

Đôi khi cô đơn là điều cần thiết nhưng chúng ta thường lãng tránh đi

Bạn hãy thử tượng tượng cảm xúc là những người xa lạ. Nếu bạn ngỏ lời, sau 5 ngày, 1 tuần, 1 tháng cũng sẽ hiểu một chút về nhau. Còn nếu chưa từng ngồi cạnh họ, chẳng cất câu chào nào thì dù có nhìn thấy nhau, sẽ rất khó để hiểu đối phương muốn truyền đạt điều gì đến bạn.

3. Dồn nén việc cảm nhận cảm xúc khó khăn quá lâu

Năm 18 tuổi, có thể bạn dồn nén việc cảm nhận một số cảm xúc tiêu cực nhất định trong 15-16 năm; và tương tự nếu bạn 30, điều này đã kéo dài 27-28 năm. Khi dồn nén một số cảm xúc quá lâu, chúng dường như biến thành kẻ thù. Làm quen với người lạ, có thể ban đầu sẽ không thoải mái, hơi khó chịu nhưng ít nhất họ vẫn không làm gì bạn. Nhưng để làm quen với kẻ thù, thật không dễ chịu một chút nào.

Tuy thế, dù là kẻ thù hay người lạ, bạn cũng không thể thay đổi được quá khứ. Nhưng lúc này đây, bạn có thể thay đổi dù chỉ là nhích người qua một chút, và dần dần cất những lời chào với những người chỉ nhìn thấy thôi cũng đủ làm bạn mệt mỏi.

4. Chỉ thích trải nghiệm cảm xúc thuận lợi/ tích cực

Việc chỉ thích trải nghiệm những cảm xúc thuận lợi là không sai, vì đó là chức năng chính của bộ não cảm xúc: sống sót và sinh tồn. Vì thế, bạn sẽ có xu hướng tìm đến những thứ thoải mái và tránh xa những điều khó chịu. Nhưng cứ mãi đi theo một hướng, hay ưu ái một bên, bạn sẽ sai đường.

Bạn hãy để ý thử, người ta tìm đến tiền bạc, địa vị, danh tiếng, sự công nhận, được đám đông tung hô, hoặc có ảnh hưởng đến một ai đó, để làm gì? Phải chăng tất cả những hành động điều hướng đến những cảm xúc tích cực như bình an, thoải mái, hạnh phúc, hài lòng, được trân trọng và được thuộc về. Đằng sau những điều bạn theo đuổi là những cảm xúc thuận lợi. Khi đã có góc nhìn này, bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm những cảm xúc thuận lợi theo cách khác mà không cần miệt mài theo đuổi những điều mình nêu trên.

Ngoài ra, trong bộ não của bạn cũng có phần não về lí trí, tuy trẻ nhưng có thể giúp bạn sống thành công hơn. Bạn hoàn toàn có thể học cách sử dụng phần não này để nuôi dưỡng những mối quan hệ, có một cuộc sống hài hòa và những quyết định không làm bạn hối tiếc.

Với 4 lý do nêu trên, mình mong bạn có thể sẽ học cách chấp nhận những cảm xúc khó khăn, để hiểu về nó và có những bước hành động phù hợp tiếp theo để có những thay đổi tốt hơn.