Thấu hiểu bản thân với 7 công cụ từ dễ đến khó

Thấu hiểu bản thân với 7 công cụ từ dễ đến khó

Nếu bạn rất muôn thấu hiểu bản thân mà vẫn còn hoay hoay, chưa tìm ra phương pháp hoặc chưa tin tưởng phương pháp của bản thân, bài viết này sẽ có ích với bạn.

Thấu hiểu bản thân là chủ đề, kỹ năng mà mình thấy là quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi người nhưng lại ít khi nào được nhắc tới trong gia đình hoặc thậm chí là ở trường học. Mình đã thử nhiều cách thức khác nhau trong hành trình này để có được bài viết này. Đây là 7 công cụ mình đã sử dụng để hiểu bản thân mình trong 15 năm qua, kể từ khi mình bắt đầu cuộc đời của một sinh viên. Mỗi công cụ đều có đặc điểm và kỹ năng yêu cầu khác nhau. Mình sẽ xếp các công cụ theo độ khó tăng dần khi áp dụng.

Tuy vậy bạn cũng cần lưu ý rằng đây là ý kiến cá nhân, vì mỗi người sẽ có một hoàn cảnh khác nhau, dẫn đến kết quả khác nhau khi thực hành 7 công cụ này. Bạn xem thử đâu là công cụ phù hợp nhất với bạn nhé.

7. Đọc sách

Đây là công cụ dễ thực hiện nhất và cũng là công cụ có thể theo chân bạn tới suốt cuộc đời.

Chúng ta may mắn được sống trong thời đại này, nơi mà những câu hỏi, thắc mắc của tiền nhân đã được lưu lại trong sách vở. Dù bạn muốn hiểu về cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, thế giới quan, giá trị sống, điểm mạnh, điểm yếu, tuổi thơ, xu hướng yêu đương thì cũng sẽ đều có sách phù hợp với nhu cầu của bạn.

Sách không đòi hỏi bạn quá nhiều kĩ năng khi bắt đầu, ngoài chuyện bạn tìm được sách hay để đọc. Chỉ cần search “sách để thấu hiểu… cảm xúc, niềm tin, tư duy” là bạn sẽ bước chân vào một thế giới mới và tha hồ khám phá. 6 năm rồi mình cũng đã giới thiệu chi tiết rất nhiều sách hay để thấu hiểu bản thân, sẽ là nguồn tài liệu rất giá trị cho bạn đó.

Bạn vừa có thể mở rộng hiểu biết về thế giới bên ngoài, vừa có thể so sánh, đối chiếu trải nghiệm của bản thân với những câu chuyện, tình huống mà bạn đọc từ sách. Ví dụ, Câu chuyện dòng sông của Siddathar giúp bạn hiểu sâu về cái tôi của bản thân. Britt Marie đã ở đây giúp bạn hiểu về giá trị sống. Search inside yourself thì lại cho bạn cơ hội hiểu sâu về khía cạnh cảm xúc.

Với mình thì đây là phương pháp rất hiệu quả và bền vững để mình có thể hiểu thêm về bản thân. Gần đây nhất mình đọc một cuốn sách tên là “Sinh ra để chạy”, một cuốn sách về tinh thần chạy bộ, câu chuyện chạy bộ của những chân chạy độc đáo. Nhưng quá trình đọc sách mình cũng có cơ hội nhìn lại những niềm tin của bản thân về chạy, về vận động thể chất, về quá trình kết nối với thiên nhiên.

Điểm yếu của phương pháp này là việc đọc sách không phải là thói quen của nhiều bạn. Vậy nên tình trạng đọc vài cuốn rồi dừng lại cũng khá phổ biến.

6. Những bài test tính cách

Nếu bạn muốn có phương pháp mang tính phổ quát, muốn biết một vài đặc điểm, xu hướng nổi bật của bản thân thì những bài test tâm lý là một lựa chọn bạn có thể sử dụng ngay. Đây cũng là công cụ không quá khó để sử dụng. Chỉ cần bạn có vốn tiếng Anh hoặc tiếp cận được với những bài test uy tín.

Ví dụ bài test VIA character strength miễn phí giúp bạn khám phá điểm mạnh của bản thân được phân bố thế nào, 5 điểm mạnh nhất của bản thân, điểm mạnh vừa và điểm mạnh ít. Có được dữ liệu về bản thân từ khía cạnh điểm mạnh có thể giúp bạn bắt đầu có sự tập trung hơn, biết ưu tiên để phát triển những điều bản thân làm tốt, từ đó chất lượng cuộc sống, sự tự tin cũng được cải thiện đáng kể.

Hoặc với bài test tính cách Big Five sẽ giúp bạn hiểu được tại sao cảm xúc của bạn lại có thể lên xuống thất thường như vậy. Tại sao bạn lại yêu thích những trải nghiệm mới mẻ? Tại sao bạn lại kỉ luật hoặc trì hoãn nhiều tới vậy? Tại sao bạn lại dễ hợp tác với người khác hoặc cảm thấy khó khăn?

Bài test sở thích nghề nghiệp Holland giúp chúng ta hiểu được những đặc điểm của bản thân sẽ phù hợp với nhóm nghề nghiệp nào. Chẳng hạn như việc mình đang làm là hướng dẫn các khóa học, sáng tạo nội dung hoàn toàn phù hợp với những nhóm mà mình trội như nghiên cứu, xã hội, quản lý.

Điểm mạnh của những bài test này là bạn có cơ hội để nhìn thấy những xu hướng, khuôn mẫu của bản thân, từ đó bạn có thể dùng những công cụ thấu hiểu bản thân khác để tiếp tục khám phá bản thân. Tuy vậy, để làm bài test hiệu quả thì thường bạn phải trả phí hoặc cần có sự hướng dẫn từ những người cung cấp dịch vụ test.

5. Trải nghiệm

Đây là công cụ ai cũng có thể làm được. Vì làm gì có ai sống mà không có trải nghiệm đúng không

Nhưng điểm khác biệt ở đây là không phải ai cũng có trải nghiệm đa dạng trong quá khứ và sẵn lòng hướng tới những trải nghiệm đủ màu sắc trong tương lai. Đó là lí do nó đứng ở vị trí thứ 5 trong 7 công cụ về độ khó để sử dụng.

Nếu mỗi năm bạn lên kế hoạch để bản thân được tới những vùng đất mới, hít thở những nền văn hóa, gặp gỡ con người mới thì bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để thấu hiểu bản thân mình rồi. Những trải nghiệm mới mẻ, đôi khi có khăn, đôi khi thoải mái đều kích hoạt toàn bộ 5 giác quan của chúng ta. Những điều mới mà ta tiếp thu qua mỗi chuyến đi, qua mỗi trải nghiệm, vai trò, mối quan hệ sẽ có tác động tới chúng ta hơn hẳn so với việc đọc sách. Thay vì đọc và trải nghiệm cuộc đời người khác thì giờ đây chúng ta trực tiếp được trải nghiệm, được lấp đầy những giác quan của mình.

Tuy nhiên nếu dừng lại ở đây thì thật lãng phí. Bạn cần phải đảm bảo rằng bạn có sự quan sát, đúc kết, tự nhận ra những bài học quý giá sau những trải nghiệm của bản thân.

Trải qua mà không nghiệm lại thì những điều ta trải qua chỉ dừng lại ở sự kiện, thiếu đi ý nghĩa và những hiểu biết mới mẻ về bản thân thông qua quá trình trải nghiệm với bên ngoài.

Trải nghiệm của chúng ta giống như một nguồn dữ liệu khổng lồ. Nếu không có quá trình phân tích, đúc kết, nhìn sâu thì hành trình thấu hiểu bản thân chắc chắn là sẽ có nhiều chông gai.

4. Từ người khác

Nếu bạn lớn lên trong một gia đình có sự an toàn, được quan tâm, ba mẹ thường xuyên để bạn được trải nghiệm, khám phá thế giới thì họ sẽ là những nguồn thông tin vô cùng hữu ích để bạn hiểu thêm về bản thân mình. Tương tự như vậy với bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô. Họ đều là những nguồn thông tin rất giá trị để giúp bạn nhìn sâu vào những điều mù mà bạn không thấy hoặc cho bạn những góc nhìn rất khác so với cách bạn nhìn bản thân.

Rất nhiều hành vi của chúng ta ở hiện tại, trong tương lai là sự phản chiếu với những trải nghiệm tuổi thơ.

Trong nhiều lớp học của mình, chẳng hạn như lớp điểm mạnh, mình đều thiết kế những bài tập để các bạn học trò đi phỏng vấn phụ huynh, ông bà để có thể có thêm những thông tin rất giá trị về bản thân.

Họ nghĩ gì về điểm mạnh, điểm yếu của bạn? Bạn có xu hướng coi trọng điều gì? Bạn thích lối sống thế nào? Họ tin cậy bạn tới đâu? Họ nghĩ bạn có thể mang lại giá trị gì cho cuộc sống của họ? Đây đều là những câu hỏi tốt để bạn có thể bắt đầu khám phá bản thân qua lăng kính của người khác đó.

Định kì mỗi tháng hoặc mỗi quý, hoặc thú vị nữa là mỗi dịp sinh nhật hằng năm, bạn có thể nhờ người thân, bạn bè tặng bạn một món quà đặc biệt. Đó là những góc nhìn thành thật, có tính xây dựng của họ về những hành vi, lựa chọn hoặc những điều thú vị họ thấy được ở bạn. Đây sẽ là một nguồn thông tin hữu ích và quan trọng để bạn có thể khám phá thêm những điểm mù về bản thân, những điều người khác thấy rõ ràng nhưng bạn lại hoàn toàn mù mờ.

3. Viết

Viết là một công cụ rất mạnh, phù hợp với cả người có xu hướng hướng nội và người hướng ngoại.

Đây cũng là công cụ chủ chốt mà mình đã đều đặn sử dụng trong suốt nhiều năm. Ngày xưa thì mình dùng viết để viết những trải nghiệm của bản thân rồi chia sẻ trên blog, sau này thì viết ebook, viết nội dung cho các khóa học, rồi tới năm nay thì viết script cho video. Tuy vậy thì viết không phải là một điều thoải mái, thân thuộc với nhiều bạn. Nên nó nằm trong top 3 về độ khó.

Ngoài việc chắc chắn giúp bạn hiểu thêm được rất nhiều về bản thân thì viết cũng giúp chúng ta thể hiện được thế giới nội tâm, kết nối được với sự tưởng tượng và cảm nhận sự tự do rõ nét từ thế giới bên trong.

Viết có rất nhiều cách thức tiếp cận khác nhau như:

  1. Viết nhật kí cảm xúc. Hôm nay cảm xúc của mình là gì, tình huống để mình có cảm xúc là gì? Mình học được gì từ cảm xúc này?
  2. Viết theo kiểu nhật kí, ghi lại trải nghiệm hằng ngày của bản thân.
  3. Viết tự do, chỉ đơn giản là viết tất cả những gì đang xuất hiện trong tâm trí.
  4. Viết phản chiếu, viết để trả lời những câu hỏi, gợi ý cụ thể về những trải nghiệm của bản thân.

Mỗi hình thức viết phục vụ một mục tiêu khác nhau. Nhưng tựu chung lại nó đều là quá trình bạn đang hồi tưởng, phân tích và kết nối những trải nghiệm bên trong lẫn bên ngoài.

So với đọc và trải nghiệm thì viết đòi hỏi sự kiên nhẫn hơn, chủ động hơn. Chưa kể là bạn phải có sự tập trung để ngồi viết trong 10 – 30 phút. Một điều không dễ gì trong một thế giới với đầy những sự xao nhãng.

2. Nghệ thuật

Làm gốm, vẽ tranh, âm nhạc, nhảy hay bất kì hình thức nghệ thuật nào bạn yêu thích cũng có thể mang đến cho bạn rất nhiều thông tin về bản thân. Viết rõ ràng là một hình thức có tính hướng nội cao, nhưng không phải người hướng nội nào cũng thoải mái và cảm thấy kết nối với việc viết, lúc này thì thực hành nghệ thuật, biểu đạt bản thân qua chuyển động cơ thể, qua sự tiếp xúc của các giác quan, qua trí tượng tượng có thể mang lại cho bạn những sự hiểu biết mà ngôn từ không làm được.

Nghệ thuật có tính chủ quan cao, và cũng cần khả năng cảm thụ. Nên mình xếp nó ở vị trí thứ 2 về mặt độ khó để thực hiện.

Hãy để ý tới trạng thái, sự háo hức của bản thân khi bạn được đắm chìm trong không gian của nghệ thuật. Bạn có xu hướng kiên nhẫn hay vội vàng, linh hoạt hay cứng nhắc, tự do hay ràng buộc? Bạn chọn sự kết nối hay độc lập, sự công nhận hay tự công nhận? Điều khì khiến bạn thoải mái và điều gì ngăn chặn dòng chảy sáng tạo của bạn? Nhiều câu hỏi, cặp mệnh đề khác có thể kể đến và tạo ra sự tổng hòa trong con người của bạn.

Không nhất thiết phải hiểu bản thân qua lăng kính của người khác hoặc qua con chữ của bản thân. Những hoạt động nghệ thuật có thể cho bạn nhiều sự mới mẻ, sâu sắc về chính thế giới nội tâm của bạn nếu bạn chịu khó để ý, chịu khó quan sát và nhìn bản thân dưới lăng kính của những trải nghiệm, những tác phẩm mà bạn đã sáng tạo nên.

1. Thiền

Công cụ mạnh nhất nhưng cũng khó thực hiện nhất. Với mình thì việc thực hành thiền thực sự là một bước ngoặc lớn của cuộc sống.

Nhờ thiền mà lần đầu tiên mình được nghe tới khái niệm chấp nhận suy nghĩ. Tức là chỉ ngồi xuống và chấp nhận mọi suy nghĩ xuất hiện trong đầu. Đây không phải là một điều dễ dàng. Nếu đã từng vài lần ngồi yên hoặc thử thiền một vài lần, bạn sẽ thấy tâm trí của chúng ta nhảy nhót mạnh mẽ như thế nào. Chưa kể chúng ta còn có thể bị sa vào những câu chuyện do tâm trí vẽ ra, hoặc tìm cách để chặn những dòng suy nghĩ dù cho chẳng mấy hiệu quả.

Nhưng nếu có thực tập, từng bước từng bước chúng ta sẽ quan sát suy nghĩ, nhận diện rồi buông bỏ để rồi dần thấy được sức mạnh của thiền. Thiền giúp mình hiểu được rất nhiều về bản thân cả ở khía cạnh niềm tin, cảm xúc lẫn lối sống ở những khía cạnh mà sách vở, bài trắc nghiệm tâm lý hoặc chia sẻ của người khác khó có thể chạm tới được.

Thực ra thì càng thiền đúng, mình nghĩ chúng ta càng dễ hiểu được những góc cạnh khác nhau của bản thân. Thay vì tránh né hoặc che giấu, chúng ta dần trở thành người quan sát. Dần nhận biết được những sự rối rắm của tâm trí. Thấy rõ hơn những sự phán xét, suy diễn, dãn nhãn, bóp méo sự thật mà tâm trí liên tục kích hoạt. Thấy rằng tâm trí thích kể chuyện và tin tuyệt tuyệt đối vào những câu chuyện thế nào. Thấy rằng tâm trí đang điều khiển chúng ta hằng ngày ra sao.

Chưa thiền được thì bạn có thể bắt thử ngồi thừ, cũng là một thực tập rất thú vị. Mỗi ngày dành ra 10-15 phút ngồi yên lặng. Rồi bạn sẽ thấy những điều thú vị và cả khó chịu xuất hiện cho mà xem. Nếu bạn còn thấy bối rối chưa biết bắt đầu từ đâu hoặc muốn có nền tảng với việc thiền thì có thể tham khảo khóa học thiền của mình nhen.

Thực ra thì 7 công cụ này đều bổ trợ cho nhau một cách chặt chẽ. Nhờ sách mà bạn thấu hiểu bản thân hơn, từ đó nâng cao khả năng cảm nhận của bản thân với những trải nghiệm, hoạt động nghệ thuật. Nhờ thiền mà bạn tập trung hơn khi viết, tự tháo gỡ được những rối rắm của tâm trí, từ đó khả năng phân tích, hiểu sách cũng sẽ có sự cải thiện rõ rệt.

Mình mong là bạn sẽ từng bước ứng dụng cả 7 cách này vào cuộc sống của bạn.